Trình bày điểm yếu trong CV một cách khéo léo và hợp lý
17/04/2024
Trình bày điểm yếu trong CV là một cách cho nhà tuyển dụng hiểu hơn về ứng viên, cũng là một cách để đánh giá xem những điểm yếu của ứng viên có gây trở ngại tới công việc hay không. Vậy, ứng viên cần phải trình bày điểm yếu một cách thật khéo léo sao cho nhà tuyển dụng chấp nhận được và tạo ra cơ hội cho mình thể hiện bản thân. Tất cả bí quyết đó được bật mí ngay trong bài viết dưới đây.
I. Phân loại điểm yếu trong CV
1. Điểm yếu về chuyên môn
Điểm yếu kỹ năng cứng hay chuyên môn là sự thiếu hụt về chuyên môn so với những người đồng trang lứa. Điểm yếu về chuyên môn có thể đến từ nhiều lí do như bạn không được đào tạo sâu về chuyên môn, bạn làm trái ngành hay chưa có nhiều cơ hội tiếp xúc với công việc,...
Khi trình bày điểm yếu về chuyên môn, bạn nên viết cả lí do để nhà tuyển dụng hiểu và tạo điều kiện cho bạn khắc phục trong tương lai. Bạn có thể viết theo kiểu: "Vì chưa có nhiều cơ hội làm việc trong thực tế nên khả năng dịch tức thời còn kém"
2. Điểm yếu về kỹ năng mềm
Những kỹ năng cơ bản như giao tiếp, thuyết trình, quản lí thời gian,... không phải bẩm sinh mà có mà cần có thời gian học hỏi, rèn luyện thông qua môi trường xung quanh. Đây là những kỹ năng mềm cần thiết cho công việc. Thế nhưng nếu nó là điểm yếu của bạn, cũng không đến mức không chấp nhận được. Bạn có thể trình bày từ 1-2 điểm yếu về kỹ năng mềm để nhà tuyển dụng đánh giá và xem xét. Ví dụ như "Ngoại ngữ chưa tốt" hay "Khả năng trình bày vấn đề, thuyết phục cần cải thiện thêm".
3. Điểm yếu về tính cách
Đây là điểm yếu khó khắc phục nhất của một con người. Vậy nên cần xem xét nếu điểm yếu ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của bạn thì không nên đưa vào. Nếu đưa điểm yếu về tính cách vào CV, hãy trình bày một cách khéo léo như: "Đôi khi không tự tin khi đứng trước các dự án lớn" hoặc "Có thể mất bình tĩnh khi bị cản trở trong công việc".
II. Hướng dẫn trình bày điểm yếu trong CV một cách hợp lý
- Chọn điểm yếu phù hợp: Hãy trình bày một điểm yếu mà bạn có thể giải quyết rồi sau đó xây dựng kế hoạch cụ thể để cải thiện chúng. Đặc biệt, điểm yếu này không được gây ảnh hưởng lớn đến khả năng làm việc của bạn.
- Sử dụng ví dụ cụ thể: Đi kèm với mô tả về điểm yếu, cung cấp một ví dụ cụ thể để minh họa vấn đề và cách bạn đã xử lý hoặc đang xử lý nó. Nó sẽ cho nhà tuyển dụng thấy được nỗ lực cải thiện điểm yếu của bạn.
- Đảm bảo tính chân thành và sự cẩn trọng: Khi trình bày điểm yếu, hãy chân thành và trung thực, đừng cố gắng lấp liếm điểm yếu của mình bằng những thứ khác. Có thể, việc bạn thẳng thắn thừa nhận điểm yếu của mình lại tạo nên sự khác biệt giữa CV của bạn và các ứng viên khác.
- Tránh nhấn mạnh quá mức: Không nên thổi phồng điểm yếu của mình, khiến nó trở nên nổi bật trong CV. Hãy chú trọng vào những khía cạnh tích cực và khả năng của bạn.
- Tự tin và tích cực: Dù trình bày về điểm yếu, nhưng hãy làm điều này một cách tự tin và tích cực. Thể hiện sự tự nhận thức và khả năng quản lý điểm yếu của bạn cho nhà tuyển dụng thấy, từ đó tạo dựng cho họ niềm tin rằng bạn có thể sửa đổi thành công.
Tất cả điểm yếu của con người đều có thể khắc phục được nên bạn hãy cứ mạnh dạn điềm từ 1-3 điểm yếu của mình vào CV. Sau đó đề ra kế hoạch để sửa chữa, phát triển nó thành điểm mạnh của mình trong quá trình thử việc. Đó chính là minh chứng rõ ràng nhất cho nhà tuyển dụng thấy được sự nỗ lực của bạn trong công việc. Chúc bạn sớm thành công trên con đường sự nghiệp của mình.