Việc Làm Thêm Cho Sinh Viên: Lợi Ích và Cơ Hội Phát Triển
08/03/2024
Trước sự phát triển ngày một nhanh chóng của xã hội, nhiều bạn trẻ đã lựa chọn tham gia vào thị trường lao động từ sớm nhằm trau dồi kinh nghiệm cũng như tăng thêm thu nhập. Vậy, đâu là những công việc làm thêm phù hợp nhất dành cho sinh viên? Hãy cùng tìm hiểu chủ đề này qua bài viết dưới đây nhé!
I. Lí do sinh viên nên đi làm thêm
Khác với thời học sinh, quỹ thời gian của sinh viên luôn được coi là khá "dư dả". Không còn quá nhiều sự quản thúc từ gia đình, việc học trên trường cũng linh động hơn. Trong thời điểm ấy, nhiều bạn đã lựa chọn cho mình một công việc part-time. Điều này mang tới rất nhiều mặt tích cực cho sự phát triển của sinh viên như:
- Tạo sự nổi bật cho CV xin việc sau này...
- Rèn luyện, phát triển kinh nghiệm xã hội và kĩ năng nghề nghiệp
- Tạo nguồn thu nhập, giúp sinh viên tự chủ được một phần tài chính, không quá phụ thuộc vào gia đình
- Ứng dụng được kiến thức đã học vào thực tế làm việc
- Có thêm nhiều mối quan hệ mới
- Tăng cơ hội tìm được việc làm phù hợp trong tương lai
Với những ưu thế kể trên, việc làm thêm từ sớm đã và đang được nhiều sinh viên áp dụng để hoàn thiện và phát triển bản thân. Còn việc lựa chọn công việc gì, ở lĩnh vực nào thì phụ thuộc vào lịch trình, sở thích, kĩ năng riêng của mỗi người.
II. Một số công việc làm thêm cho sinh viên
1. Công việc Offline
Nhắc đến việc làm thêm cho sinh viên, người ta thường nghĩ ngay đến những lựa chọn dưới đây:
1.1. Gia sư, trợ giảng
Nhu cầu học thêm ngày càng cao của phụ huynh - học sinh đã đem tới nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên. Bạn có thể lựa chọn làm công việc gia sư 1-1 tại nhà hoặc làm trợ giảng tại các trung tâm dạy thêm, trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn thành phố.
Đây là sự lựa chọn hàng đầu với sinh viên bởi tính ứng dụng cao, giờ giấc linh hoạt và mức thu nhập ổn định. Công việc này vừa giúp sinh viên vận dụng được kiến thức đã học, vừa nâng cao bộ kĩ năng cần thiết như giao tiếp, quản lí thời gian, chăm sóc khách hàng,...
Tuy nhiên, công việc gia sư - trợ giảng yêu cầu bạn cần có kiến thức nền vững chắc cũng như khả năng biểu đạt, diễn giải phù hợp với từng đối tượng người học cụ thể. Đây cũng là một thử thách đặt ra cho sinh viên để rèn luyện, trau dồi bản thân mỗi ngày.
1.2. Nhân viên bán hàng part-time
Với những sinh viên có khả năng giao tiếp tốt, họ có thể tham gia vào ngành sale. Lĩnh vực này không đòi hỏi quá nhiều kiến thức chuyên ngành hay kỹ năng nghiệp vụ mà đa số sẽ được training sao cho phù hợp nhất với môi trường công việc.
Khi trở thành một nhân viên bán hàng, bạn sẽ được trau dồi rất nhiều kiến thức về hàng hóa, kỹ năng nghiệp vụ, khả năng giao tiếp, chốt sale,... Điều này khá phù hợp với bạn nào theo học bên khối ngành kinh tế.
Tuy nhiên với công việc bán hàng, áp lực về doanh số cũng sẽ là điều khiến bạn phải khá đau đầu, dễ gây xao nhãng hay bỏ bê việc học tập trên trường lớp.
1.3. Nhân viên phục vụ part-time
Bên cạnh các việc làm thêm mang tính học thuật cao như gia sư - trợ giảng, sinh viên nếu chưa quá tự tin cũng có thể thử sức với ngành dịch vụ ở vị trí part-time. Đó có thể là công việc pha chế, chạy bàn, thu ngân tại các quán cafe hay quán ăn, nhà hàng trong khu vực.
Với dạng công việc này, sự nhanh nhẹn, chủ động và khéo léo sẽ là lợi thế lớn để chiếm được thiện cảm của nhà tuyển dụng. Tuy nhiên đây là công việc mang tính "tay chân", đòi hỏi bạn cần phải có sức khỏe, sức bền. Đa số các cơ sở kinh doanh này đều mở cửa tới tối muộn vậy nên bạn cũng cần sắp xếp thời gian học - làm sao cho phù hợp nhất.
1.4. Tài xế công nghệ
Công việc này bao gồm các vị trí như đưa đón khách, giao đồ ăn, giao hàng qua các ứng dụng trực tuyến và sàn giao dịch điện tử như Grab, Bee, Shopee, Lazada, Tiki, TikTok,...
Ưu điểm của công việc này là thời gian linh hoạt, mức thu nhập hấp dẫn. Nhưng về nhược điểm, bạn sẽ cần di chuyển khá nhiều, phải chủ động về phương tiện cũng như phải đối diện với điều kiện thời tiết thất thường.
2. Công việc Online
Bên cạnh những công việc offline, sinh viên cũng có thể lựa chọn cho mình một số công việc làm tại nhà linh động hơn về mặt thời gian như:
2.1. Cộng tác viên (CTV)
Cộng tác viên hay freelancer đề cao tính chất tự do cả về thời gian lẫn địa điểm làm việc. Người lao động có thể hợp tác với nhiều công ty, tổ chức cùng một lúc, miễn sao hoàn thành công việc theo đúng thời hạn và yêu cầu đã thỏa thuận.
Công việc này sẽ dựa trên sở thích, khả năng, chuyên môn của sinh viên. Lĩnh vực bạn làm có thể liên quan đến viết lách, dịch thuật, lập trình hay thiết kế, đồ họa,... Một số việc làm thêm cho sinh viên có thể tham khảo là:
- CTV viết bài cho web, page
- CTV dịch thuật (phim ảnh, truyện chữ, truyện tranh,...)
- CTV telesales
- CTV thiết kế (game, website, đồ họa,...)...
Do không bị gò bó bởi môi trường, các freelancer dễ dàng thể hiện sức sáng tạo của bản thân. Tuy nhiên điều này cũng đòi hỏi người lao động có tính tự giác và tinh thần trách nhiệm cao. Đồng thời, với mức thu nhập hấp dẫn, tính cạnh tranh của công việc cũng sẽ rất lớn.
2.2. Bán hàng online
Nếu có tư duy kinh doanh từ sớm, sinh viên cũng có thể lựa chọn cho mình công việc bán hàng online để tăng thu nhập.
Về ưu điểm, hình thức làm việc này rất linh động về thời gian, địa điểm. Các mặt hàng được kinh doanh cũng đa dạng, bạn có thể tìm hiểu thị hiếu của nhóm đối tượng hướng tới để lựa chọn loại mặt hàng phù hợp. Đồng thời, công việc này cũng đem đến nguồn thu nhập khá ổn định cho người lao động.
Về nhược điểm, việc tự kinh doanh đòi hỏi người lao động phải có một nguồn vốn nhất định ban đầu - điều gây khá nhiều khó khăn cho đối tượng sinh viên. Bên cạnh đó, khi mới bắt đầu, bạn sẽ phải đối diện với những hạn chế như lượng khách chưa ổn định, chi phí chạy quảng cáo, sự cạnh tranh với các shop online khác,... Tất cả đòi hỏi sinh viên phải có sự kiên trì cùng đầu óc kinh doanh nhanh nhạy trước thời cuộc.
III. Những lưu ý cho sinh viên khi tìm kiếm công việc làm thêm
Như đã nói ở trên, để cân bằng giữa học tập và làm thêm, sinh viên cần nỗ lực ở rất nhiều khía cạnh. Sau đây là một số lưu ý giúp các bạn xác định tốt những điều cần ưu tiên khi tìm kiếm công việc làm thêm cho bản thân:
- Hãy tìm việc qua những nền tảng, nguồn tuyển dụng uy tín, tránh những rủi ro không đáng có
- Trang bị cho bản thân chỉn chu cả về kiến thức và kĩ năng, thái độ
- Cân nhắc thời gian biểu phù hợp
- Lựa chọn công việc phù hợp với sở thích, năng lực. Ưu tiên những vị trí liên quan tới ngành học của bản thân
- Chuẩn bị kĩ càng hồ sơ xin việc, CV cũng như những thông tin khi trả lời phỏng vấn...
Trên đây là thông tin về những công việc làm thêm dành cho sinh viên. Mục đích sau cùng của làm thêm là tích lũy kinh nghiệm, biến đó thành lợi thế trong quá trình xin việc sau này. Vậy nên các bạn hãy cố gắng cân bằng giữa học tập - công việc - cuộc sống nhé. Hi vọng các bạn sớm tìm được một vị trí phù hợp cho bản thân trong thị trường lao động rộng lớn ngoài kia!